Nghề xây dựng – Một nghề nghiệp xứng đáng được tôn vinh
Nơi người kỹ sư xây dựng đặt chân đến là những vùng đất hoang vu, đầy sỏi đá. Lúc họ vội vã rời đi là khi những miền đất đã sáng những ánh đèn, đã đông dần những tổ ấm. Và họ lại thầm hát trên môi bài hát của những con người xây dựng “ em ơi, anh còn đi xây nhiều nhà khắp nơi, nhiều tổ ấm sống vui tình lứa đôi...”
Ngành xây dựng luôn có vai trò to lớn trong quá trình phát triển của một quốc gia hay một đế chế và là ngành không thể thiếu trong mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử. Ở thời kỳ đồ đá, xây dựng chính là việc lựa chọn, sắp xếp và cải tạo các hang động, hốc cây trở thành nơi ẩn náu, lưu trữ thực phẩm, tích trữ của cải. Đến thời cổ đại, với sự lao động của đôi bàn tay và khối óc, những người thợ xây đã xây dựng các kim tự tháp, các kinh thành, các trường đấu to lớn. Cho đến ngày nay, khi xã hội ngày càng văn minh thì nhu cầu xây dựng của con người ngày càng phức tạp.
Nghề xây dựng từ lâu được biết đến ở Việt Nam là một nghề có rất nhiều điều để kể. Những người làm xây dựng luôn mang theo một sự khác biệt - về ngoại hình bụi bặm, tính cách phóng khoáng - rất khó để lẫn với những ngành nghề khác. Sự khác biệt đó đến từ những năm tháng rèn luyện nơi giảng đường, những tháng năm tuổi trẻ để lại nơi công trường hay những đêm dài miệt mài với bản vẽ.
Ngành xây dựng là ngành tương đối đa dạng về vị trí công việc, từ làm thi công, làm thiết kế, làm tư vấn giám sát, làm quản lý dự án, làm đấu thầu, làm thanh toán, đến làm chủ đầu tư. Tuy công việc đa dạng như vậy nhưng tựu chung lại, nghề xây dựng có thể chia làm 3 nhóm công việc chính bao gồm: kỹ sư thi công, kỹ sư thiết kế và kỹ sư quản lý dự án. Các vị trí công việc đặc thù khác trong ngành cũng có thể xếp nằm trong 3 nhóm này.
Những năm tháng giảng đường
Trường Đại học Xây dựng nói riêng hay khối trường kỹ thuật công trình nói chung là những trường mà sinh viên học hành vất vả nhất. Những năm gần đây, khi nền kinh tế có nhiều sự xoay chuyển, điểm đầu vào của khối trường kỹ thuật không còn cao như trước đây nữa, nhưng không vì thế mà chất lượng đào tạo hay yêu cầu của nhà trường đối với sinh viên có sự thay đổi lớn. Sinh viên Trường Xây dựng trung bình trong suốt quá trình học tập phải hoàn thành trên 200 tín chỉ và khoảng 10 đồ án môn học. Các đồ án đều yêu cầu khối lượng làm việc rất lớn. Cá biệt có sinh viên hệ đào tạo kỹ sư chất lượng cao, 5 năm học phải vượt qua hơn 300 đơn vị học trình, gần gấp đôi khối lượng một bạn sinh viên kinh tế học trong trường. Vì vậy, tỷ lệ tốt nghiệp đúng thời hạn và tỷ lệ nhận được bằng tốt nghiệp tại Trường Xây dựng thuộc dạng thấp nhất trong cả nước.
Sinh viên Xây dựng và khối các trường kỹ thuật chủ yếu đến từ các tỉnh nghèo trong cả nước. Nhiều bạn vừa đi học vừa phải đi gia sư, giao hàng hay chạy xe ôm để có tiền trang trải cuộc sống. Cộng thêm với áp lực học hành đồ án, ngoại hình của anh em sinh viên xây dựng luôn khiến các bạn nữ phải quay lưng bỏ chạy. Trai xây dựng vừa không có được cái bóng bẩy của các bạn trai trường Kinh tế, cũng không có được vẻ bác học sáng sủa của anh em Bách khoa. Chắc đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến các số lượng các bạn nữ ở Xây dựng ngày càng ít, theo cách gọi của anh em xây dựng là “vừa quý vừa hiếm”.
Chương trình học nặng, phong trào sinh viên sôi nổi, các thầy cô cá tính, cộng với nỗ lực bản thân lớn đã tạo nên chất rất riêng của sinh viên xây dựng và sau này là những con người làm xây dựng. Nếu dân Bách khoa có cái chất riêng là mọt sách, cẩn thận, nói năng mô phạm thì dân xây dựng lại bụi bặm, dứt khoát, và không ngại đương đầu.
Kỹ sư thi công, nơi công trường là nhà
Kỹ sư thi công dường như là vị trí công việc mà xã hội có cảm nhận rõ nét nhất về tính cách của những con người làm xây dựng. Đối với kỹ sư thi công, công trường là nhà, máy móc là anh em, đồng nghiệp là gia đình. Do đặc thù công trình xây dựng không di chuyển mà người làm xây dựng phải di chuyển đến nơi làm công trình, do đó, kỹ sư thi công thường xuyên phải làm việc xa nhà. Nơi họ đặt chân đến là những vùng đất hoang vu, đầy sỏi đá. Lúc họ vội vã rời đi là khi những miền đất đã sáng những ánh đèn, đã đông dần những tổ ấm. Đối với kỹ sư thi công, mỗi công trình là một phần tuổi trẻ, một phần đam mê và có khi còn có cả máu và nước mắt. Những công trình thế kỷ như thủy điện Sông Đà, hầm Hải Vân là những nơi người xây dựng đã dành hết cả thời trai trẻ để mang lại ánh sáng văn minh hay huyết mạch giao thông cho người dân cả nước. Cứ mỗi khi công trình sắp hoàn thiện là người xây dựng lại hát vang câu hát “ ..và em thân yêu ơi, ngày mai chúng ta lại lên đường, đến những chân trời mới…”
Dân công trường thường có chất rất riêng, họ bụi bặm, nói năng dứt khoát và thường có thói quen uống rượu. Những điều này không phải tự nhiên họ thích mà nó xuất phát từ đặc thù nghê nghiệp. Công trường xây dựng luôn bụi bẩn và thiếu nước sạch, vì vậy không có lý do gì quần áo của những người xây dựng lại sạch sẽ thơm tho. Công trình cũng luôn ồn ào vì tiếng máy móc, vật liệu, do vậy các kỹ sư xây dựng phải nói to và rõ ràng mỗi khi muốn giao tiếp với người khác. Và cuối cùng, vào những buổi chiều mưa khi không thể thi công được thì anh em xây dựng lại tìm đến chén rượu để vơi đi cái nỗi nhớ nhà, vơi đi những vất vả nghề nghiệp.
Kỹ sư thiết kế, những người lính thầm lặng
Nếu công việc của kỹ sư thi công gắn với công trường và máy móc thì công việc của kỹ sư thiết kế lại gắn liền với máy tính và ...máy tính. Đối với người kỹ sư thiết kế, sản phẩm của họ là hàng chồng bản vẽ, hàng kho hồ sơ. Công việc của kỹ sư thiết kế là sử dụng các số liệu khảo sát và tuân thủ theo các yêu cầu, quy định để đưa ra giải pháp thiết kế phù hợp nhất. Nói là phù hợp nhất vì nếu người thiết kế không có tâm, không chọn lựa ra phương án tối ưu thì có thể gây lãng phí hàng tỷ đồng đối với toàn bộ dự án. Có từng trải qua môi trường này mới hiểu tính chi tiết, tỷ mỷ và chính xác của những người làm thiết kế. Đôi khi, có thể bắt gặp cảnh những kỹ sư đã hoa râm mái tóc vẫn tranh luận với nhau như những đứa trẻ chỉ vì một chi tiết rất nhỏ trong bản vẽ, mà một công trình phải có đến hàng ngàn bản vẽ như vậy.
Người làm thiết kế không phải sống xa gia đình như những kỹ sư thi công nhưng công việc của họ không vì thế mà ít áp lực. Áp lực của các kỹ sư thiết kế là tiến độ, là chất lượng và là độ chính xác, tỷ mỉ. Chỉ “sai một ly” trong thiết kế thôi là ra thực tế sẽ “đi một dặm”, vì vậy người làm thiết kế luôn phải đặt độ chính xác lên cao nhất trong công việc của mình và luôn phải chịu áp lực cho yêu cầu đó. Có lẽ sẽ khó tưởng tượng là đối những công trình dài hàng trăm ki-lô-mét, kỹ sư thiết kế vẫn tỷ mẩn làm việc với từng mi-li-mét trong bản vẽ. Nếu một bạn học kinh tế hay xã hội nhìn vào máy tính một kỹ sư thiết kế chuyên nghiệp lúc họ đang làm việc thì phần lớn sẽ cảm thấy chóng mặt hoa mắt chỉ sau vài phút quan sát. Họ phóng to thu nhỏ màn hình, chuyển cửa sổ, gõ lệnh liên tục không ngừng nghỉ. Họ quan sát rất nhanh và tư duy liên tục. Họ tranh luận liên tục và cải thiện liên tục để những thiết kế của mình là tối ưu nhất.
Kỹ sư quản lý dự án, kẻ biết tuốt
Kỹ sư quản lý dự án là một phần rất khác của ngành xây dựng. Đó có thể là những kỹ sư làm việc trong các công ty quản lý dự án xây dựng chuyên nghiệp, hay các kỹ sư làm việc trong các ban quản lý dự án, các phòng quản lý dự án của chủ đầu tư. Công việc chính của kỹ sư quản lý dự án là quản lý chi phí dự án, quản lý tiến độ dự án, quản lý chất lượng dự án, quản lý an toàn lao động, quản lý rủi ro và quản lý nhiều mặt khác để dự án hoàn thành. Trước đây, khi nghề xây dựng còn sơ khai, vai trò của kỹ sư quản lý dự án thường ít được nhắc đến và nằm lẫn trong vai trò của các bên liên quan khác. Tuy nhiên, cùng với quy mô ngày càng lớn của các công trình, các quy định ngành ngày càng khắt khe và rủi ro ngày càng lớn, vai trò của kỹ sư quản lý dự án ngày càng trở nên quan trọng và cần thiết. Người làm quản lý dự án phải là người có khả năng tổng hợp tốt, nắm bắt được hết các mặt liên quan để đảm bảo công trình được hoàn thành theo các yêu cầu được đề ra, cũng như có khả điều phối tốt để các bên liên quan phối hợp hiệu quả.
Những người làm kỹ sư quản lý dự án thường trông “sáng sủa” hơn phần còn lại của ngành xây dựng, nhưng là theo nghĩa đen của từ “sáng sủa”. Họ cũng phải chịu rất nhiều sức ép và áp lực trong công việc mà họ phụ trách. Xã hội càng phát triển, công trình xây dựng càng lớn và phức tạp thì vai trò của kỹ sư quản lý dự án ngày càng quan trọng.
Nghề xây dựng – Một nghề nghiệp xứng đáng được tôn vinh
Những năm gần đây khi xã hội có sự xoay chuyển lớn, nghề xây dựng cũng vì thế mà thăng trầm, phần nào mất đi vị thế và sự tôn trọng của xã hội. Những góc khuất của ngành nghề cũng làm cho nhiều người cảm thấy nghi ngại và có những đánh giá chưa phù hợp về nghề xây dựng. Nhưng dù sao đi nữa, những con người làm xây dựng chân chính luôn xứng đáng nhận được sự tôn vinh của xã hội. Cuộc sống này sẽ ra sao nếu thiếu đi những con người làm xây dựng, sẽ thiếu đi những điện, đường, trường, trạm, những nhà máy xí nghiệp hay những công trình nối liền những bờ vui. Ngay lúc này đây trên công trình, những người làm xây dựng vẫn âm thầm miệt mài với những công việc của họ. Và rồi, người làm xây dựng lại vội vã rời đi khi miền đất đã sáng những ánh đèn, đã đông dần những tổ ấm.... “ và em thân yêu ơi, ngày mai chúng ta lại lên đường, đến những chân trời mới…”
Tập đoàn Gia Hưng Group - Trao chữ tín, nhận niềm tin.
#tap-doan-gia-hung-group
#giahuco.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét